KHÔNG CÒN NƠI ẨN NÁU
VũđìnhHải KBC 3119
Mến tặng các đồng đội thân thương
của tôi thuộc tiểu đoàn 8 Nhảy Dù.
Như một lời tri ân, gởi tới các Mũ Đỏ oai hùng năm xưa đã
để lại một phần thân thể của mình trên những chiến trường
khốc liệt, gian nan, đẫm máu. Để rồi sau đó đã phải kéo lê cuộc
đời còn lại trong tăm tối, lầm than, khốn khó trăm bề suốt mấy
mươi năm qua.
Mạc quàng tay lên đôi bờ vai của Hạnh, chàng khẽ gọi tên vợ, trong nỗi đam mê:
- Hạnh ơi!
Mạc dìu Hạnh ngồi dậy. Nàng ngoan ngoãn tựa lưng vào vùng ngực vạm vỡ của chồng, nàng cảm nhận những bắp thịt rắn chắc của Mạc hằn lên trên da thịt nàng, thật là ấm áp, thật là dễ chịu. Mạc rúc khuôn mặt của mình vào chiếc gáy thon, chàng luồn tay về phía trước, chầm chậm gỡ từng chiếc nút áo. Mạc lùi về phía sau một chút, từ góc cạnh này chàng có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh vẻ đẹp huyền hoặc của những đường cong trên thân thể Hạnh. Ánh đèn dầu hắt lên sống mũi, đôi môi, chiếc cằm, rồi bừng sáng trên hai bầu ngực tròn trịa, hai đầu ngực uốn dựng lên như cặp sừng non của một con nghé. Hạnh nhắm nghiền đôi mắt lại, những ngón tay của Mạc miệt mài xoay vần trên đầu ngực khiến nàng cảm thấy rõ từng vùng da thịt như tê dại, đê mê, rồi một nỗi khát khao bùng nổ bất ngờ, nhanh chóng lan rộng trên khắp thân thể của nàng. Mạc nhẹ nhàng đỡ Hạnh nằm xuống, chàng mê muội vục mặt vào giữa hai bầu ngực, hít thật sâu vào buồng phổi mùi da thịt thơm tho, hai bàn tay chàng bấu lấy đôi bồng đảo, tham lam…
Đột nhiên Mạc ngẩng đầu lên, im lặng nghe ngóng. Rất nhanh, chàng quơ vội tấm chăn đắp lên người Hạnh, chộp lấy chiếc áo rồi nhảy ra khỏi giường, lao ra phía sau nhà, lách người qua cánh cửa và biến mất trong màn đêm. Hạnh ngỡ ngàng nhìn theo bóng Mạc tan biến trong đêm tối chập chùng, nàng cúi xuống nhìn bầu ngực của mình, đang căng cứng như muốn vỡ tung vì cơn thèm muốn khát khao, nàng nuốt nước miếng tiếc rẻ cho một đêm mưa gió ngút ngàn bỗng dưng lỡ dở nửa chừng. Hạnh đưa mắt nhìn sang chiếc giường nhỏ kê sát vách nhà, tiếng thở đều đều của cu Sơn trong giấc ngủ say.
Bỗng Hạnh nghe thấy những tiếng giầy khua lên trong đêm tối, lẫn với tiếng lách cách của báng súng chạm vào dây đạn, rồi lại thấy ánh đèn pin loang loáng xuyên qua khe cửa. Chợt nàng nghe tim mình như thót lại khi có tiếng người vang lên, không xa lắm:
- Trung sĩ cho anh em chốt kỹ con đường này, tôi sẽ dẫn toán hỗn hợp vào lục soát khu nghĩa địa.
Tiếng giầy đạp lên cây cỏ, tiến vào vùng cư trú của những người đã khuất. Hạnh run rẩy bước ra hé mở cánh cửa nhìn về khu nghĩa địa gần ngay sau nhà. Dưới ánh sao đêm nhợt nhạt, mồ mả như đang nhổm dậy tức tối, lồng lên phản đối đám người hỗn láo, to gan lớn mật, dám xông vào đây phá phách, trêu ghẹo thế giới riêng tư của những người đã chết.
Tiếng chim cú rúc lên gọi hồn khiến cho màn đêm run rẩy trong cơn sợ hãi. Tiếng côn trùng nỉ non ai oán dệt lên khúc nhạc buồn, tiếc thương cho cõi dương thế sao quá ngắn ngủi chưa thỏa chí cho một kiếp người. Bia mộ dật dờ như ma trơi, vờn theo ánh sáng lập loè của những cánh đom đóm. Những lùm cây, hốc đá, nấm đất trên huyệt đạo bỗng rùng mình chuyển động, tạo nên những hình thù kỳ quái ghê rợn. Tiếng mèo hoang gào lên trong đêm trường không hề làm cho con chuột cống ngần ngại sợ hãi. Loài chuột sống chui rúc trong nghĩa địa, đôi khi người ta tìm thấy chúng đào lỗ chui xuống huyệt mộ rỉa rói, gặm nhấm thây ma nằm trong cỗ quan tài. Thân thể của chúng to lớn với bộ lông xù xì cáu bẩn, cặp mắt phóng ra ánh sáng đỏ lòm dữ tợn, loài mèo khắc tinh khi nhìn thấy chúng cũng táng đởm kinh hồn cong đuôi bỏ chạy. Con chuột cống bề thế chậm rãi bò ra khỏi lùm cây, nó bỗng khựng lại khi phát giác ra một thây người đang nằm mọp trên mặt đất. Con chuột cống nhe răng rít lên, nhanh như một tia chớp, nó xông tới và táp ngay vào bàn chân ló ra từ một ống quần. Đột nhiên Mạc nghe đau nhói dưới bàn chân, hình như có những mũi dao nhọn cắm phập vào, sâu đến tận xương, chàng hoảng hốt co chân phóng ra một cú đạp thật mạnh về phía sau, Mạc cảm thấy có một vật gì mềm mềm văng ra xa cùng với tiếng rít lên đau đớn. Con chuột cống lồm cồm bò dậy, mặt nó như vỡ vụn ra vì ngọn cước quá mãnh liệt, nó đờ đẫn một lúc rồi chợt hiểu ra, đây là một thây người còn sống, chưa chôn, thật là tai hại.
Mạc ngóc đầu lên quan sát, cặp mắt của chàng có khả năng xuyên thấu qua màn đêm, dễ dàng nhận biết được sự hiện diện của những kẻ đang gây nguy hiểm cho chàng. Qua bao năm tháng lặn ngụp để sinh tồn, đôi tai của Mạc đã nhuần nhuyễn đến độ có thể nhận ra được những tiếng động rất nhỏ từ xa vẳng lại. Mạc có thể dễ dàng phân biệt được mùi của từng loại thuốc lá khi còn cách tiệm café một đoạn đường khá xa. Đôi chân của Mạc có sức bật thật là mạnh mẽ, vọt lên như một mũi tên và sải đi rất nhanh như một con tuấn mã chuyên đưa thư hỏa tốc. Rất tự nhiên, cuộc đời khổ đau đã trui rèn cho Mạc những khả năng tự vệ của loài hươu phải sống chung với thú dữ trong cùng một cánh rừng. Mạc đảo mắt nhìn chung quanh, những mồ mả quạnh hiu nhấp nhô, nhẫn nhục hiền lành. Ừ nhỉ, người sống nguy hiểm, độc ác hơn người chết vạn lần.
Mạc giật mình nép sát người vào ngôi mộ, chàng thoáng nhận ra ánh đèn pin loang loáng xa xa từ phía xóm nhà. Áp tai sát xuống đất, Mạc nghe rõ những bước chân người đang từ từ tiến đến gần hơn. Chàng mọp sát người xuống đất, trườn về phía sau, nhưng phía sau cũng có tiếng chân người, rồi hình như cả bốn hướng đều có người đang chầm chậm xiết chặt vòng vây. Chậm quá rồi, Mạc rên lên trong tuyệt vọng, cái lưới đã giăng ra không chừa một khe hở. Hạnh ơi, Sơn ơi, cái tổ ấm duy nhất trong cuộc đời của tôi ơi, giây phút chia ly hãi hùng ấy có lẽ đã tới rồi, Mạc nghiến chặt hai hàm răng, thôi thì đành phó mặc cho trời đất. Mạc nép sát người vào ngôi mộ, bàn tay chàng chạm phải tấm mộ bia, tự dưng Mạc nắm chặt vào tấm mộ bia như vừa tìm thấy được một chỗ dựa rất đáng tin cậy. Mạc cố nén hơi thở thật nhỏ lại, chàng nghe như tim mình ngừng đập khi có những bước chân tiến tới thật gần, chỉ cách chàng khoảng chừng vài bước chân, ánh đèn pin quét ngang ngay trên ngôi mộ. Mạc chờ đợi một mũi súng dí xuống đầu mình, chàng cảm thấy mình đã hoàn toàn kiệt sức, người như mềm nhũn ra. Bỗng dưng Mạc cảm thấy hình như có hơi ấm từ nấm mộ truyền sang da thịt chàng, đầu óc chàng bỗng trở nên tỉnh táo lạ thường, bao nỗi căng thẳng sợ hãi chợt tan biến chỉ trong một vài khoảnh khắc. Mạc nhè nhẹ ngẩng đầu lên quan sát, đám người ấy đã không nhìn thấy Mạc, họ bước qua dãy mộ bên kia.
Mạc nghe một giọng nói có vẻ là cấp chỉ huy:
- Lục soát có tìm thấy thằng nào không vậy?
- Trong khu nghĩa địa này thì không, nhưng ở ngoài xóm Gò Mả thì bắt được hai thằng.
- Cho anh em rút về thôi, khuya lắm rồi.
Mạc vẫn nằm im không dám trỗi dậy, đề phòng bất ngờ họ quay trở lại. Nhiều người vì non dạ, cả tin, đã vong mạng vì những cú hồi mã thương cực kỳ hiểm độc. Mãi cho đến khi sương đêm đã thấm sâu qua lớp áo mỏng, cái lạnh đã cắt vào tới da thịt, Mạc mới yên tâm chắc chắn họ sẽ không quay trở lại. Mạc thận trọng nương theo những nấm mồ, êm thắm rời khỏi khu nghĩa địa âm u lạnh lẽo.
Mạc đưa tay xô nhẹ cánh cửa rồi lách người bước vào nhà, ngọn đèn dầu vẫn khe khẽ tỏa ánh sáng mù mờ, chàng bước nhẹ đến bên chiếc giường nhỏ, hơi thở của cu Sơn vẫn nhè nhẹ, đều đều. Mạc cúi xuống đưa tay nựng lên chiếc má bầu bĩnh của con, trời ạ, tưởng đâu bố con mình đã không còn gặp nhau được nữa. Mạc cố hết sức ngả mình xuống giường thật nhẹ, Hạnh có lẽ đang ngủ say. Gân cốt dường như đang dãn ra, cơn mệt mỏi tan biến dần khiến Mạc cảm thấy dễ chịu vô cùng. Hình như Hạnh cựa mình, rồi nàng nấc lên tiếng khóc thút thít, Mạc quàng tay tìm lấy vai Hạnh, lay nhẹ:
- Hạnh ơi.
Hạnh vùng vằng như đang cơn hờn dỗi, nàng vẫn rấm rức khóc. Mạc ngốc nghếch chẳng biết tìm lời lẽ ngọt ngào để an ủi vợ, chàng chỉ biết chia xẻ nỗi tủi thân của Hạnh bằng cách vỗ nhè nhẹ lên vai nàng. Mạc thương Hạnh lắm chứ, chàng sẵn sàng lăn xả, ôm lấy tất cả mọi nhọc nhằn khốn khó vào mình để vợ con được sung sướng, được hạnh phúc. Nhưng ngẫm ra, Mạc đã chẳng làm được điều gì khiến cho Hạnh có được một cuộc sống tươm tất, ngược lại Mạc hiểu rất rõ, khi yêu nhau, chàng đã vấy nhiều đau khổ cho nàng, đêm hôm nay cũng thế. Mạc không phải là người khéo ăn khéo nói, chàng chỉ có một tấm lòng chung thủy, tận tụy gánh vác lo toan. Những kẻ ít nói thường là những người có tính nết thẳng thắn, một lòng một dạ, ít khi là kẻ bạc tình.
Mạc mở mắt bừng tỉnh dậy, ánh mặt trời đã hắt vào gian phòng những tia nắng chói chang. Mạc đảo mắt nhìn quanh nhà, lạnh lẽo vắng tanh, có lẽ Hạnh đang đưa bé Sơn đến trường học. Chàng đã ngủ như chết sau một đêm dài căng thẳng, đứng tim. Mạc bước ra hiên nhà đánh răng rửa mặt, rồi chợt nhận ra mình vẫn còn mang trên người bộ quần áo dính đầy đất cát của đêm hôm qua. Mạc vào nhà thay bộ quần áo rồi trở ra khu nghĩa địa, nhất định phải tìm lại ngôi mộ mà đêm hôm qua chàng đã nương náu để rồi thoát hiểm trong gang tấc. Mạc có cảm giác cái hơi ấm truyền sang từ nấm mộ vẫn còn lẩn khuất đâu đây, kỳ lạ thật, tại sao giữa lúc thần kinh đang căng thẳng đến tột cùng mà bỗng dưng lại chuyển sang trạng thái bình thản, an tâm tự tại một cách phi lý đến như thế. Mạc tìm ra nấm mộ không khó khăn lắm, vì cái quang cảnh buổi tối hôm qua vẫn còn giữ nguyên vẹn trong tâm trí của chàng. Mạc giật mình chết cứng cả người khi nhìn thấy tấm mộ bia, trên đó có in tấm ảnh chụp bán thân của một người lính Nhảy Dù trẻ tuổi, mặc áo hoa, đầu đội nón beret đỏ, nét mặt cương nghị toát ra một vẻ oai phong lẫm liệt.
Nguyễn hùng Anh
Hạ sĩ
Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù
Sinh năm 1953
Tử trận năm 1972 tại Quảng Trị
Bố mẹ lập mộ
Tự dưng Mạc cảm thấy lạnh buốt trong sống lưng, bàng hoàng kinh hãi:
- Trời ơi, chính là anh ấy đây mà, anh ấy đã chết rồi sao.
Mạc chết sững cả người, tay chân như tê dại, chính là người này, không thể lầm lẫn được.
*****
Khoảng một năm trước đây, vào một buổi chiều mây mù giăng khắp lối, gió se se lạnh, Mạc thọc hai tay vào túi quần, bước vào quán gọi một ly café đen. Quán không có cửa hậu nên Mạc chọn vị trí sát phía ngoài cửa, nếu có điều gì bất trắc xảy ra chàng sẽ phóng ra ngoài đường và biến mất thật nhanh. Đi đến bất cứ nơi đâu, bao giờ Mạc cũng phác họa ngay trong đầu một lộ trình thoát hiểm, hai tai và đôi mắt của chàng lúc nào cũng căng lên để nghe ngóng tình hình chung quanh. Nhờ cẩn thận như thế nên Mạc vẫn còn tồn tại trong thành phố này mãi cho đến ngày hôm nay. Mạc móc gói thuốc lá đặt lên bàn, lấy ra một điếu gắn lên môi, bật hộp quẹt. Mạc kín đáo đưa mắt quan sát một vòng từ trước ra sau, trong quán chỉ có dăm bảy người khách đang nhâm nhi café, ngả lưng vào thành ghế thả hồn theo một bài hát đang rất thịnh hành - tôi lại gặp anh, người trai nơi chiến tuyến…Mạc để ý đến một người mặc quân phục ngụy trang, đầu đội nón beret đỏ, đang ngồi im lặng trong một góc phòng. Trên đầu và cánh tay bên trái của anh ta quấn những giải băng trắng toát. Anh ta ngồi bất động như một thiền sư, trên bàn có hai ly café, một của anh ta và ly kia là của một người vắng mặt, ngón tay anh đang kẹp điếu thuốc lá, còn điếu thứ hai thì đang cháy dở dang trên chiếc gạt tàn. Chiếc ghế đối diện với anh ta đang bỏ trống, cứ theo ánh mắt của anh ta thì hình như có người đang ngồi trên chiếc ghế ấy. Tự dưng Mạc cảm thấy cuộc đời bỗng ấm áp hẳn lên dưới ánh nắng mặt trời, thì ra trên cuộc đời này vẫn còn có những trái tim đầy ắp tình người. Anh lính Nhảy Dù đang xót xa tưởng nhớ đến thằng bạn thân vừa ngã xuống, vĩnh viễn không bao giờ trở lại để cùng nhau chia xẻ từng ly café, từng điếu thuốc, và biết bao chuyện vui buồn của những đứa con trai thời ly loạn. Có tiếng xôn xao, Mạc quay đầu nhìn ra ngoài cửa, hai chiếc xe tuần cảnh hỗn hợp vừa ngừng lại bên đường, binh sĩ và cảnh sát đổ xuống chận hai đầu đường, bắt đầu cuộc bố ráp. Mạc phản ứng rất nhanh, chàng xô nhẹ chiếc bàn, đứng lên, toan thoát thân ra ngoài đường, nhưng phía ngoài cửa đã không còn lối thoát vì hai người lính đang xăm xăm tiến vào. Mạc đành phải ngồi xuống, chàng cố gắng giữ nét mặt bình thản, nhưng trong lòng thì đang rối tung lên, liều mạng theo kiểu nào bây giờ.
Mạc choáng váng ngẩng đầu lên khi thoáng thấy có bóng người vừa dừng lại ngay trước mặt chàng, người lính Nhảy Dù.
- Có phải trốn quân dịch không?
Mạc miễn cưỡng khẽ gật đầu.
Người lính Nhảy Dù nói nhỏ:
- Họ bắt được thì khổ lắm, lao công đào binh không có ngày về. Đứng dậy đi theo tôi.
Mạc mừng rỡ như vừa chộp được cái phao. Mạc vừa đứng dậy thì người lính Nhảy Dù bá ngay lấy vai chàng, cả hai bước ra ngoài quán như một đôi bạn thân. Màu mũ đỏ và chiếc áo hoa đã là một tấm giấy thông hành kỳ diệu lạ thường, ngay cả những người lính đang thi hành nhiệm vụ cũng có phần nể nang, họ để cho hai người bước ra mà không một chút nghi ngại. Người lính Dù mở khóa chiếc xe Suzuki, gật đầu ra dấu cho Mạc ngồi lên ghế sau, chiếc xe gắn máy nhẹ nhàng lướt đi. Mạc rùng mình quay đầu nhìn lại đoạn đường đang bị cô lập để chận xét giấy tờ, hú hồn. Tới ngã ba, người lính Dù ngừng xe lại, Mạc bước xuống toan mở lời cám ơn thì người lính đã khoát tay:
- Không có gì đâu, bảo trọng nghe.
Anh lính Nhảy Dù cười hiền lành rồi rồ ga vọt đi. Mạc cảm động đứng nhìn theo màu mũ đỏ áo hoa lẫn vào dòng xe cộ rồi mất hút. Mãi mãi về sau, không bao giờ Mạc có thể quên được khuôn mặt của người lính Nhảy Dù tử tế này.
*****
Từ ngày lấy Hạnh, Mạc đã chuyển sang một nghề mới. Chiếc cần câu hiện nay của Mạc là một chiếc xe đạp, loại dùng để thồ, kết cấu của khung xe rất cứng cáp. Phía yên sau được cải biến rộng thêm để đai chặt một cái thùng, khung bằng gỗ, vách thùng được dựng lên bằng những tấm mica trong suốt. Nhìn vào chiếc thùng có thể nhẩm tính ngay được cái vốn liếng kinh doanh của Mạc, những chiếc bánh bao, bánh cam, bánh tiêu, giàu cháo quảy…xếp thành từng lớp gọn gàng, ngăn nắp sạch sẽ. Nghề bán bánh dạo này rất thích hợp với cuộc sống của Mạc, luôn di chuyển từ chỗ này qua chỗ khác, lúc thì dừng lại trước cổng trường học, lúc thì tới khu trường đua Phú Thọ, khi thì dựng xe ngay trước sân vận động Cộng Hoà vào những buổi có trận đấu tranh giải túc cầu. Hôm nào ế quá thì ráng đạp tới những địa điểm hát Cải Lương, khán giả ái mộ sân khấu về khuya lúc này đã đói bụng lắm rồi. Nhờ thường xuyên di chuyển nên Mạc dễ tránh né được những đợt ruồng bắt, và khi đứng bán hàng như vậy, tầm quan sát mở rộng ra bốn phía, có động tịnh gì là Mạc leo lên xe, đạp biến đi ngay.
Cái nghề vá bánh xe lề đường trước kia khổ ải và nguy hiểm vô chừng, đóng đồn ở một chỗ cố định dễ bị tập kích bất ngờ, ngồi ven lề đường nên tầm quan sát bị hạn chế rất nhiều. Lần ấy Mạc đánh hơi chậm quá, toán tuần cảnh hỗn hợp tiến gần đến nơi Mạc mới phát giác ra, Mạc vọt người lên, phóng như một mũi tên băng qua bên kia đường, lủi nhanh vào những con hẻm chằng chịt ngoằn ngoèo như hang chuột mà Mạc đã thuộc làu trong lòng bàn tay, suýt nữa thì toi mạng. Khi tình hình đã yên ổn, Mạc dè dặt quay trở lại và phát giác ra mớ đồ nghề của chàng đã bị thằng lỏi nào nhanh tay chôm mất.
Hôm nay trên sân vận động Cộng Hòa diễn ra một trận đấu vô cùng hấp dẫn giữa hai đội tuyển hàng đầu, Quan thuế và Tổng tham mưu. Dân Sài Gòn kéo nhau về đường Nguyễn Kim đông như một ngày hội, khán đài chật cứng không còn một chỗ trống, vé chợ đen được con buôn đẩy lên tới trời xanh mà vẫn không còn vé để bán. Cứ nhìn quang cảnh chung quanh sân vận động Cộng Hòa thì thấy ngay dân Sài Gòn ghiền bóng đá đến mức độ nào. Những người không mua được vé thì tụ tập vào những tiệm giải khát, nghe Huyền Vũ tường thuật trực tiếp trận đấu qua làn sóng radio mà tưởng như trận đấu đang diễn ra ngay trước mắt, bàn đề cũng là một thú vui cho đỡ cơn ghiền. Nhờ trận đá banh hấp dẫn này mà mới xế chiều Mạc đã bán hết nguyên một xe đầy ắp các loại bánh. Chàng đạp xe tà tà trở về, lòng rộn rã một niềm vui. Mạc ghé chợ Phú Nhuận mua về cho Hạnh một bịch chè khoai môn, loại chè mà Hạnh rất mê, mua cho bé Sơn hai trái chuối nướng thơm phức. Mạc cứ miên man nghĩ đến mái gia đình nhỏ bé đầm ấm của mình mà thấy trong lòng tràn ngập một niềm vui, giờ này chắc Hạnh đang vo gạo nấu cơm, cu Sơn đang loanh quanh bên mẹ, hai mẹ con chắc đang trông ngóng mình lắm đây. Ừ phải đấy, đã lâu lắm rồi quên chưa hôn lên má Hạnh, cuộc sống tất bật suốt cả ngày đến nỗi một chút âu yếm chăm sóc cho nhau cũng nhớ nhớ quên quên, thật là đáng đánh đòn. Hôm nay về đến nhà việc đầu tiên sẽ là ôm lấy Hạnh mà hôn lên đôi má xinh xinh của nàng.
Mạc dựng chiếc xe đạp thồ bên mái hiên, tự dưng sao hôm nay Mạc nhớ Hạnh, thương Hạnh quá chừng, chàng háo hức đẩy cửa bước vào nhà. Mạc trông thấy cu Sơn đang ngủ gục trên bàn học, nhìn quanh không thấy bóng dáng của Hạnh, chắc Hạnh đang nấu nướng dưới bếp. Mạc khẽ nâng cằm cu Sơn lên, Sơn dụi mắt nhận ra bố, liền kêu lên:
- Bố ơi, con đói quá.
- Mẹ đâu, sao mẹ không dọn cơm cho con ăn?
- Mẹ bảo mẹ đi chợ một lúc, lâu lắm rồi sao vẫn chưa thấy mẹ về.
Lấy làm lạ, Mạc đứng lên, chàng bước xuống dưới bếp. Bếp núc lạnh tanh, Mạc đưa tay mở nắp nồi cơm, trống trơn. Mạc trở lên nhà, mở cánh cửa tủ, toàn bộ quần áo của Hạnh đã biến mất. Tự dưng Mạc cảm thấy đau nhói trong tận đáy tim, người hụt hẫng như vừa trợt chân rơi xuống hẻm núi thật sâu, phải làm thế nào bây giờ? trời ơi!
Mạc ôm chặt lấy con vào lòng.
- Mẹ đi chợ từ lúc nào hở con?
- Mẹ đón con đi học về là mẹ đi chợ ngay.
Cu Sơn dụi đầu vào vai bố:
- Bố ơi, con đói bụng.
- Ừ, con chờ một tí, bố xuống bếp nấu cơm ngay.
Mạc mở túi nylon lấy ra hai trái chuối nướng đưa cho con:
- Con ăn đỡ chuối nướng nghe, có cả nước dừa nữa đó con.
Mạc thẫn thờ cầm bịch chè khoai môn trên tay, tại sao lại như thế, Hạnh ơi!
*****
Mạc ơi,
Em xin lỗi Mạc vạn lần, em đã bỏ anh và con để ra đi mà không một lời từ giã. Thấy anh quá cực khổ lo toan nuôi vợ nuôi con không hề quản ngại nắng mưa, làm sao em có thể mở miệng nói câu phụ bạc với anh. Thôi thì đành phải câm nín lặng lẽ ra đi, vì em không có đủ can đảm để nói với anh một lời từ biệt, vì em đếm đo được tình của anh dành cho em sâu đậm đến dường nào, và cũng vì em rất yêu anh.
Mạc ơi, đã nghìn trùng xa cách thì chẳng còn có điều gì phải e ấp trong lòng. Anh biết không, mỗi khi anh xiết chặt em vào lòng anh, em lại cứ cuống cả lên, em sung sướng vùi mặt mình vào lồng ngực nở nang của anh với lòng cuồng si khao khát vô hạn. Trong con người của anh, cái nam tính ngấm ngầm nhưng mạnh mẽ lôi cuốn làm sao. Em thấy ẩn trong ánh mắt anh, nụ cười, cái khoát tay, cử chỉ âu yếm vỗ về khi mình bên nhau, và nhất là những quyết định táo bạo, liều mạng của anh, những cái chất đàn ông ấy đã khiến cho em chết mê chết mệt. Em bằng lòng chọn lựa anh cho cuộc đời của mình, anh là một pháo đài vô cùng vững chắc, là một cứ điểm rất an toàn để cho em nương tựa.
Em không dám coi thường anh, khi anh đã không chu toàn trách nhiệm của một người trai thời ly loạn, ngược lại em còn quí trọng anh gấp mấy ngàn lần. Vì tình yêu anh dành cho em, cho bé Sơn quá lớn lao, nên anh đã chấp nhận cuộc sống vất vả né tránh, miễn sao giữ chặt được cái hạnh phúc nhỏ nhoi quí báu đó. Anh vẫn thường nói với em, em và con chính là nơi ẩn náu duy nhất trong cuộc đời của anh, anh phải giữ lấy với bất cứ giá nào. Em biết, anh không phải là loại đàn ông hèn nhát, nếu không làm sao em có thể chấp nhận anh là người chồng yêu quí của em được. Lần ấy, ngay trên hè phố, anh đã đập vỡ mặt một thằng ăn mặc sang trọng mà lại hung hăng tát tai một thằng bé bán báo, chỉ vì thằng nhỏ ôm sấp báo vô ý chạy qua vũng nước, nước bẩn bắn tung toé lên bộ quần áo mới tinh của hắn. Chứng kiến cảnh tượng anh đánh gục con người ấy, em sợ điếng hồn, tim em cứ như sắp rớt ra ngoài, nhưng sau đó em lại cảm thấy ấm cúng yên tâm lạ thường, từ nay em sẽ không còn sợ hãi điều gì nữa, hễ có người bắt nạt em, em chỉ cần… gọi cho anh một tiếng là xong.
Mạc ơi, anh có yêu em thật lòng không hở anh? Em thắc mắc cũng đúng thôi, vì từ ngày chúng ta quen nhau, trở thành đôi uyên ương, để rồi nên nghĩa vợ chồng, chưa bao giờ anh nói được tiếng yêu em. Chẳng lẽ ba tiếng “ anh yêu em “ khó nói lắm hay sao hở Mạc, đã đành em vẫn biết tình yêu anh dành cho em nồng nàn sâu đậm lắm, nhưng mà em vẫn thèm được nghe chồng mình thì thầm bên tai - anh yêu em, nếu em nghe được những âm thanh yêu thương trìu mến ấy, chắc có lẽ em sẽ cảm động đến ngất xỉu đó anh. Chẳng cần phải có người mách bảo, em cũng biết mình không phải là một đứa con gái xấu xí. Ra ngoài đường cũng có lắm kẻ bước qua rồi mà đuôi mắt thì cứ ngoái lại như dán chặt lên người em, lúc đưa bé Sơn đến trường học cũng có dăm ba cái đuôi lẽo đẽo theo sau, vậy mà suốt đời chưa bao giờ chồng em khen em được một tiếng cho em vui lòng mát dạ. Một lời khen tặng cho phụ nữ đúng lúc đúng chỗ có thể thay đổi được tình thế một cách bất ngờ, từ không ưa biến thành dễ thương chỉ trong vài tích tắc. Người ta khen em có đôi mắt đẹp của một hồ nước mùa thu, em cười lên khanh khách vì cái lời khen cải lương quá đáng ấy, nhưng sao tim em thì lại rất vừa lòng, thế mới chết người chứ hở anh. Mạc ơi, những lúc anh nhìn em say đắm, em cảm nhận được những điều gì anh đang chất ngất ở trong lòng, sao anh không nói ra ngay, nói đi anh, nói rằng em xinh đẹp lắm Hạnh ơi, nói rằng anh yêu em vô vàn, để hạnh phúc đến trong em được toàn vẹn hơn. Sao anh cứ nín thinh suốt cả một đời yêu em, sao anh…ngu thế hở Mạc. Im lặng là vàng không phải lúc nào cũng đúng đâu, anh nhé.
Những ngày tháng khởi đầu của tình yêu bao giờ cũng đẹp đẽ, cũng nồng nàn. Cả hai đứa mình đều tin tưởng rằng tình yêu chân thật sẽ vượt lên được tất cả mọi khó khăn gian khổ. Cho đến ngày hôm nay, anh vẫn hoàn toàn tin như thế, nhưng em thì không. Anh vẫn bền chặt thủy chung trong tình yêu với em, anh vẫn cần mẫn vất vả kiếm tiền về nuôi gia đình trong một hoàn cảnh trốn tránh thật là ngặt nghèo, thật là hiểm nguy. Nhưng cái nghề bán bánh dạo ấy làm sao nuôi nổi một gia đình có đến ba miệng ăn. Em đau lòng biết bao khi những lần anh đau ốm, anh nhất định không đi bác sĩ, anh chỉ ra tiệm tạp hóa mua vài viên thuốc nhức đầu, uống xong anh lại tất tả đạp xe ra đi, tội nghiệp chồng của em biết bao. Em muốn đi làm thêm để phụ giúp gia đình thì anh lại gắt lên, em biết gì mà đi làm, cứ ở nhà lo cho con, mọi việc đã có anh. Những lúc cu Sơn đau ốm, hai vợ chồng hớt hãi ngược xuôi, không có đủ tiền để chữa bệnh cho con, lúc ấy em thấy anh suy nghĩ lung lắm, em cảm thấy anh đang cố tìm cho ra một giải pháp nào đó để thay đổi hoàn cảnh, nhưng rồi cuối cùng mọi việc vẫn quay trở về nhịp điệu nghèo nàn cũ kỹ, em cũng phát chán đến nơi. Bản thân em, em cũng mong ước có được vài bộ quần áo đẹp, đôi ba đôi giầy mới, để mỗi khi ra đường thiên hạ cũng không được phép xem thường vợ của anh, nhiều lúc muốn mở miệng nói với anh, nhưng thấy anh đã quá vất vả nên lại thôi. Mạc ơi, chúng ta không thể nào uống nước lã mà yêu nhau được đâu anh ạ, đến ngày hôm nay thì em hết chịu đựng nổi cái cảnh nghèo khó này nữa rồi.
Những buổi trốn anh, trốn con, để đi chơi với người ta, thật là dễ chịu, thật là hạnh phúc. Người ta săn đón, chiều chuộng em đủ mọi điều, đã là con gái thì từ trong đáy tim, ai mà không thèm muốn được những điều ấy. Người ta dìu em bước đi dưới ánh mặt trời, giữa phố phường đông đúc người qua lại, người ta cho em được hít thở không khí trong lành của một cuộc sống thoải mái, dưới vòm trời tự do, không lo âu sợ hãi. Đi bên cạnh người ta, em cảm thấy như mình vừa thoát ra khỏi một khu rừng tăm tối. Người ta sống đàng hoàng hiên ngang dưới ánh nắng mặt trời, còn anh, anh thì sống lén lút lẩn khuất trong bóng tối. Bây giờ em đã biết sợ, đã biết kinh hãi kiếp sống lẩn tránh, lấy bóng đêm che khuất thân mình. Kể từ ngày chúng ta rằng buộc vào nhau, em luôn phải sống trong tâm trạng phập phồng, lúc nào cũng hoang mang lo sợ, không biết chồng mình sẽ bị bắt đi lúc nào. Trời ơi, bây giờ nghĩ lại em thấy điếng cả hồn, đêm hôm ấy anh phóng nhanh ra khu nghĩa địa, trong nhà chỉ còn có em và con, em sợ quá, sợ đến nỗi tim em như thắt lại, em không thể nào chịu đựng nổi nữa đâu Mạc ơi, em sợ lắm rồi. Tha lỗi cho em nghe Mạc, em không thể kéo lê cuộc đời của mình trong tăm tối, em phải bước ra ngoài ánh nắng mặt trời. Mạc ơi, có những lúc tự dưng anh ôm ghì lấy em, ôm thật chặt, ôm thật lâu, và em thấy trong ánh mắt của anh gợn lên những tia sợ hãi, có phải lúc ấy anh đang rất sợ, rất sợ mất em, có đúng như thế không hở anh? Tội nghiệp chồng em, chúng ta sẽ phải mất nhau, điều mà bấy lâu nay anh nơm nớp lo sợ trong lòng đã đến, anh sẽ đau đớn vô cùng, biết làm sao hơn Mạc ơi, thôi thế cũng đành.
Anh Mạc, em chưa biết cuộc sống của em ngày mai sẽ ra sao nên bây giờ em không thể nào đưa con đi theo em được. Anh cứ chăm sóc nuôi nấng cu Sơn, mai này khi cuộc sống đã ổn định em sẽ quay về để đón con, em hy vọng không lâu lắm đâu, vì người ta thương yêu, tử tế với em lắm. Dù thời gian có phôi pha, nhưng lòng em lúc nào cũng sẽ nhớ mãi đến mối tình đầu của chúng ta, một mối tình thật đẹp nhưng bị vùi dập bởi cuộc chiến tranh kéo dài quá lâu, quá tàn khốc…
*****
- Mạc ơi, đi đâu mà trông bơ phờ quá vậy.
- Anh khỏe chứ, anh Thuận, lâu quá không gặp.
- Vào đây uống tách trà đã, đi đâu mà vội.
Thuận đẩy chiếc ghế ra, mời bạn ngồi:
- Sẵn xe phở đã chuẩn bị xong, làm một tô nhé, Mạc.
Mạc vội vã xua tay:
- Đừng anh Thuận, tôi no lắm rồi, ngồi chơi một lát tôi phải đi ngay.
Thuận còn lạ gì tính nết của ông bạn mình, đói thì chịu đói chứ chẳng bao giờ mở miệng than vãn hay vay mượn của ai. Một con người khẳng khái, tự trọng, chẳng bao giờ phiền hà đến người khác, chính vì vậy mà Thuận rất nể nang cảm phục con người này. Nhưng hôm nay Thuận nhất định ép bạn cho bằng được, sau khi rót cho bạn tách nước trà xong, Thuận đứng lên lấy tô, làm cho Mạc một tô phở tái thật bự.
Mạc đành phải chiều lòng bạn, vói tay lấy đôi đũa và chiếc thìa:
- Dạo này buôn bán khá không anh Thuận?
- Cũng thường thôi, hôm nào thuận buồm xuôi gíó thì khoảng xế chiều đã bán sạch xe phở, hôm nào ế thì gồng đến 8, 9 giờ tối mà vẫn chưa hết, cả nhà đành phải ăn phở thay cơm.
Mạc buông đôi đũa xuống, cầm tách nước trà lên tay, trầm ngâm.
Thuận nhìn bạn mà xót xa trong lòng:
- Mạc ơi, chuyện của Mạc tôi đã biết rồi, đừng buồn nữa, cố giữ sức khoẻ để mà lo cho cháu Sơn.
- Vậy là anh đã biết tất cả rồi à. Anh Thuận này, tôi có một việc định nhờ đến anh, không biết anh có sẵn lòng giúp cho không?
- Anh cứ nói đi Mạc, tôi sẽ hết lòng giúp cho anh, đừng ngại.
- Nếu tôi xui xẻo bị bắt, xin anh vui lòng tạm thời chăm sóc dùm cho cháu Sơn, khi yên ổn rồi tôi sẽ định liệu sau. Ngoài anh ra, tôi chẳng còn biết nhờ cậy vào ai.
- Yên tâm đi Mạc ạ, chuyện này trong tầm tay của tôi. Từ nay sau giờ học, anh cứ bảo cháu sang đây chơi với lũ con của tôi, khi nào anh đi bán về thì ghé qua đón cháu. Cháu Sơn ngoan lắm, lũ con của tôi nhắc đến cháu hoài.
- Tôi thật lòng không biết phải nói gì, xin cám ơn anh, anh Thuận ạ.
*****
Sáu tháng sau, Mạc bị bắt trong một cuộc hành quân truy quét qui mô ở khu vực trường đua Phú Thọ. Sau đó Mạc đã tình nguyện đầu quân vào binh chủng Nhảy Dù khi phái đoàn của bộ tư lệnh su đoàn Nhảy Dù đến trại giam tuyển mộ. Mạc được chuyển về huấn luyện quân sự trong trung tâm huấn luyện Quang Trung, tiểu đoàn khóa sinh Vương mộng Hồng. Mãn khóa quân sự, Mạc theo học khóa nhảy dù, tại trung tâm huấn luyện nhảy dù trong trại Hoàng hoa Thám. Khi đã lãnh được tấm bằng nhảy dù trên tay, Mạc cứ tưởng sẽ được đi phép, về thăm gia đình, trước khi ra vùng hành quân trình diện đơn vị. Nào ngờ chàng được gom ngay về khối bổ xung nằm chờ chuyến bay tăng cường ra vùng hành quân, làm gì có phép với tắc. Rành rọt cuộc đời như Mạc mà vẫn có những lúc lầm lẫn ngây thơ như trẻ con, Mạc đâu biết có những người lính Nhảy Dù đi từ trận An Lộc, trải qua trận chiến đẫm máu tái chiếm Quảng Trị năm 1972, rồi nằm lại trên tuyến phòng ngự ở vùng hỏa tuyến, ròng rã gần 3 năm trời mà có thấy được ngày phép nào đâu.
Máy bay đáp xuống phi trường Phú Bài vào lúc giữa trưa, trời gay gắt nắng. Trong nhóm tân binh tăng cường đợt này, Mạc là người lớn tuổi nhất, các anh em khác đều cùng trang lứa tuổi đôi mươi. Vừa trải qua những tháng huấn nhục trong quân trường, anh em ai nấy đều ngăm đen, rắn chắc. Chưa nếm đủ mùi đời nên anh em còn lạc quan, tươi tắn lắm, Mạc thấy mình như già đi khi nhìn anh em đang vô tư đùa nghịch với nhau, cái quãng đời non nớt thanh xuân ấy đã tàn lụi trong Mạc từ lâu. Chiếc xe GMC nối tiếp quãng đường còn lại, đưa nhóm tân binh về bộ tư lệnh tiền phương, đóng tại căn cứ Hiệp Khánh, bắc Thừa Thiên. Từ đây anh em được phân phối về các đại đội trinh sát và các tiểu đoàn tác chiến. Mạc và năm anh em khác được bổ xung về tiểu đoàn 8 ND. Từ tiền trạm, Mạc và anh em theo chuyến xe tiếp tế vào đến bộ chỉ huy của tiểu đoàn 8 Nhảy Dù đang đóng quân tại núi Yên Bầu.
Mạc vừa nhảy xuống xe, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt của Mạc là một lò nấu dầu tràm đang hừng hực lửa. Người ta bắt anh em binh sĩ vào rừng hái tràm đưa về BCH tiểu đoàn để chưng cất thành dầu khuynh diệp rồi đem bán ra ngoài thị trường. Trên ngọn núi Yên Bầu, hùng hục những người lính tiểu đoàn 8 ND đang cởi trần, cong lưng đánh tranh, từng đống những tấm tranh đã đan xong, gần đó là những bó tre đã tỉa ngọn sạch sẽ, chờ xe chở đi. Lác đác những toán binh sĩ lặn lội trong rừng sâu đang vác về những bó tre nặng như những nợ nần từ kiếp nào. Sau khi trình diện ban 3, Mạc và anh em được thông báo phân bổ về các đại đội, Mạc có tên về đại đội 84. Mạc sẽ phải đợi cho đến buổi chiều, khi mà những người lính đi làm nô dịch đã xong công việc, Mạc sẽ tháp tùng theo những người lính ấy băng rừng về bộ chỉ huy đại đội. Trong khi chờ đợi, Mạc ghé vào câu lạc bộ tiểu đoàn, chàng mua một cây thuốc Capstan, một bịch
café, đường, 2 hộp sữa ông thọ, một ít bánh kẹo, vài gói mì ăn liền, Mạc nhét tất cả vào ba lô, ngày đầu về đơn vị như thế là ổn lắm rồi. Vừa về tới BCH đại đội, Mạc được thông báo tăng cường về trung đội ngay, về tới trung đội, Mạc lại nhận được lệnh đi theo người lính cũ ra ngay chốt đóng quân. Quân số trên chốt chỉ có 3 mạng, hôm nay có thêm Mạc nữa là 4, anh em mừng húm vì ca gác đêm sẽ ngắn đi. Mạc đâu có biết đây là một chốt tiền tiêu, cách vài chục bước chân phía bên kia ngọn đồi chính là chốt địch, vì thế trưởng chốt ở đây là viên trung sĩ tiểu đội trưởng, trung sĩ Huỳnh Ánh.
Đêm nay là đêm đầu tiên trong đời lính Mạc biết thế nào là gác giặc, rất khác lạ so với những gì người ta đã giảng dạy cho chàng trong thời gian huấn luyện nơi quân trường. Trung sĩ Huỳnh Ánh dặn dò con ma mới, gác không được hút thuốc, không được nghe radio, khi gác phải vểnh tai lên nghe ngóng, nghe bằng tai lợi hại hơn nhìn bằng mắt, nhớ cắm một cái cọc cây xuống trước mặt, phòng hờ lỡ mất phương hướng thì quơ tay ra chung quanh, hễ đụng cái cọc cây là nhớ lại được phương hướng ngay, nếu phát giác địch quân đang mò vào thì chỉ đánh bằng lựu đạn, không được dùng súng vì ánh lửa lóe ra từ nòng súng sẽ khiến địch biết vị trí của ta…
Đêm đầu tiên gác giặc, Mạc được ưu ái cho gác ca thứ nhất, tự dưng Mạc cảm nhận được cái tình đồng đội ấm áp, thân tình. Mạc cũng nhập cuộc chia xẻ nỗi nhọc nhằn cùng anh em đồng đội khi nhận được lệnh hôm sau sẽ đi sưu dịch cho tiểu đoàn. Mới 3 giờ sáng đã có người nắm vai Mạc lay dậy, hai anh em hì hục nhóm lửa nấu cơm, lùa vội miếng cơm vào miệng, móc dây đạn lên người, tất tả rời khỏi chốt. Hùng là cựu binh đi trước dẫn đường, Mạc đi theo sau, chàng bám theo Hùng muốn hụt hơi. Con đường mòn quanh co, ngoằn ngoèo, lên lên xuống xuống, có chỗ phải vượt qua con suối nước ngập tới thắt lưng, nước thấm vào da thịt buốt tới xương. Hai người lội tới được BCH đại đội thì trời đã lờ mờ sáng, lính từ các chốt gom về đã tề tựu đầy đủ, thường vụ đại đội điểm danh báo cáo quân số. Đoàn người lê bước theo những con đường mòn, vượt qua những triền đồi khúc khuỷu, cắt rừng về BCH tiểu đoàn. Đến được núi Yên Bầu thì trời đã sáng tỏ, Mạc thấy lố nhố một đám đông, anh em từ các đại đội tập trung về đang chờ phân bổ công việc. Anh em được chia làm 3 toán, mỗi toán có một nhiệm vụ riêng. Toán vào rừng chặt tre, mỗi người phải chặt đủ số tre đã được ấn định, tre được cột thành từng bó, đến chiều thì phải vác đủ số lượng về điểm tập trung ở BCH tiểu đoàn. Có anh em thả những bó tre xuống suối, nương theo dòng nước đưa tre về tiểu đoàn, và đã có một người chết đuối trong cuộc sưu dịch tranh tre tràm này. Toán vào rừng cắt tranh, đưa về tiểu đoàn để đánh thành những tấm tranh dùng để lợp mái nhà. Toán còn lại xông vào rừng hái tràm, tràm tập trung về BCH tiểu đoàn, được nấu, chưng cất lấy tinh dầu. Tranh, tre, và dầu tràm được bán ra ngoài thị trường. Đã có mấy anh em vướng lựu đạn khi vào rừng chặt tranh tre tràm, người mất tay, kẻ mất chân, người mù mắt.
Miếng ăn của người lính tiểu đoàn 8 Nhảy Dù thật quá là đơn giản, quanh đi quẩn lại chỉ thấy hết cá khô rồi lại tới khô cá. Chu kỳ 3 ngày tiếp tế chỉ là vài con cá khô với một miếng bí, hoặc một góc chiếc bắp cải to bằng nắm tay, chẳng bao giờ thấy được miếng thịt hay con cá tươi. Ba ngày gạo tiếp tế chia đều ra làm 6 phần, chỉ đủ nấu cho mỗi ngày 2 bữa ăn lưng bụng, nếu nấu một bữa cơm cho chắc bụng thì bữa sau phải húp cháo. Anh em thường hay tìm hái lá tàu bay mọc dại, đem về nấu canh hoặc luộc lên để ăn dặm thêm. Và tiền ẩm thực thì vẫn trừ thẳng cánh vào tiền lương hàng tháng không thiếu một xu.
Mạc moi trong ba lô lấy ra một hộp sữa đặc có đường, chàng bước ra ngoài, khui nắp và múc từng thìa đưa vào miệng. Quái lạ, sao hôm nay Mạc cảm thấy mùi sữa thơm lừng, vị sữa thấm vào lưỡi trôi xuống cổ họng ngọt lịm, thật là tuyệt vời. Cuộc sống quá lam lũ cực khổ vì tranh tre tràm, ăn uống lại thiếu thốn không đủ no, nên Mạc mới có cảm giác lạ thường như thế mà thôi. Thoáng một cái Mạc đã vét sạch lon sữa hộp, chàng liếm mép thèm thuồng, rồi vung tay quăng cái lon vào bụi cây. Vừa lúc ấy có tiếng nói từ phía sau lưng.
- Anh lượm lại cái lon đi, sẽ phải dùng nó đấy.
Mạc ngạc nhiên ngước mắt lên nhìn, thì ra trung sĩ Huỳnh Ánh, giữ cái lon sữa trống không này để làm cái quái gì, thật không hiểu nổi.
Nhìn ánh mắt của Mạc, trung sĩ Huỳnh Ánh biết ngay con nai vàng ngơ ngác đang thắc mắc điều gì.
- Anh giữ lấy để gài lựu đạn.
Một đầu của sợi dây bẫy được buộc chặt vào một gốc cây, đầu kia buộc vào trái lựu đạn. Lựu đạn được cẩn thận nhét vào hộp sữa, và hộp sữa được gài chắc chắn vào một bụi cây. Chốt lựu đạn được rút từ từ và lấy ra ngoài, rắc một ít lá cây lên trên để ngụy trang. Khi một bàn chân vướng vào sợi dây, trái lựu đạn bị lôi ra ngoài, thìa lựu đạn văng ra, kíp nổ được kích hỏa, và một tiếng nổ bùng lên xé nát da thịt.
Mạc lại được trung sĩ Huỳnh Ánh hướng dẫn cách gài mìn Claymore tự động, bằng cách dùng 3 tép pin, gỡ ra từ cục pin đã hết dùng của máy truyền tin PRC 25.
Trên chốt chỉ có 4 mạng, nếu chết thì sẽ chết chùm, thế nên những người lính ở nơi đây đã gắn bó với nhau thân thiết còn hơn cả tình ruột thịt. Chính cái hoàn cảnh đồng sinh cộng tử ấy đã nảy sinh một thứ tình cảm rất sâu đậm, rất tình người, đó là tình đồng đội.
Mạc chìa gói thuốc ra mời trung sĩ Huỳnh Ánh, gợi chuyện:
- Ở tiểu đoàn 8 đã lâu, trung sĩ có biết người nào tên Nguyễn hùng Anh không?
- Anh ấy đã chết rồi, phải không?
- Vâng, nghe nói anh ấy đã chết, trận Quảng Trị.
Trung sĩ Huỳnh Ánh rít hơi thuốc sâu vào phổi, nét mặt trở nên đăm chiêu.
- Năm 1972, tôi và Nguyễn hùng Anh tăng cường hành quân cùng một đợt, lúc đó tiểu đoàn đang tham dự trận An Lộc, trận đánh diễn ra rất ác liệt. Tôi và Nguyễn hùng Anh đều bị thương, tụi tôi được chuyển về bệnh viện Đỗ Vinh điều trị.
Mạc gật gù nhớ lại hình ảnh người lính Nhảy Dù ngồi trong góc quán café, đầu và tay băng trắng toát.
Trung sĩ Huỳnh Ánh hỏi lại:
- Bộ anh biết Nguyễn hùng Anh hả?
- Tôi có biết anh ấy, anh ấy bị thương vào đầu và tay.
- Đúng rồi, sau khi lành vết thương, tụi tôi trở ra đơn vị, lúc này tiểu đoàn đang hành quân tái chiếm Quảng Trị, cũng là năm 1972. Lúc đánh ở Động ông Đô, tôi bị thương, còn Nguyễn hùng Anh tử trận.
Tự dưng Mạc nghe đau nhói trong lòng.
- Trung sĩ có biết anh ấy chết ra sao không?
- Anh ấy dính nguyên một trái B40 lúc đang xung phong.
Mạc chết lặng cả người. Hình ảnh người lính trẻ trên tấm mộ bia dường như đang lung linh trong nắng, vờn theo gió, vẫy gọi Mạc về phía lưng trời bàng bạc hư vô.
Thời tiết ở vùng địa đầu giới tuyến này thật là khắc nghiệt, cơn mưa kéo dài suốt cả một tháng trời, nước mưa ủ trên những khuôn mặt nhăn nheo thiếu ánh nắng mặt trời, buồn ơi là buồn. Mạc ló đầu lên khỏi hầm chiến đấu, những giọt mưa bay bay rơi vào mắt chàng khiến Mạc tưởng chừng như mình đang khóc. Mạc lặng yên nghe tim mình thổn thức, Hạnh ơi, sao lại thế hở Hạnh, người vợ yêu dấu của ta ơi, mới ngày nào tình ta còn đẹp như ánh trăng vằng vặc rạng rỡ, sao giờ đây chỉ còn là một vệt tối thê lương. Anh không oán trách em điều gì đâu, Hạnh ạ, anh chỉ trách mình đã không có đủ tài đủ sức để đem lại hạnh phúc cho em. Những năm tháng anh sống lén lút trong bóng tối, nhẫn nhục chịu đựng, chỉ để mong giữ mãi được hạnh phúc của chúng ta, nhưng anh đã lầm, nếu chỉ đơn giản như thế thì đâu còn gì là nghĩa cuộc đời. Cuộc sống bất an của một người trốn quân dịch làm sao có thể mưu cầu được hạnh phúc cho chính bản thân mình, nói chi đến hạnh phúc của một mái gia đình. Nếu ý thức được điều này thì anh đã chẳng bao giờ gắn bó với em nên nghĩa vợ chồng, để rồi em phải sống trong thiếu thốn, âu lo, và cuối cùng em đã rời bỏ bố con anh để đi tìm hạnh phúc mới. Tội nghiệp con của chúng ta, kể từ lúc em cắp nón ra đi, con chúng ta đã mất cả một trời thương yêu đùm bọc, mất đi nguồn sữa mẹ vô cùng cần thiết cho cây non đâm chồi rẽ nhánh. Nhớ ngày nào vợ chồng mình láo ngáo, vụng dại không biết nuôi con, cu Sơn tè vọt cần câu tưới đẫm lên băng quấn rốn, con bị nhiễm trùng mà bố mẹ nào có hay, đến khi cu Sơn nóng sốt như lò lửa thì em mới cuống quit đưa con lên bệnh viện Nhi Đồng. Chiều hôm ấy đi bán về, anh vội vã chạy lên bệnh viện thăm con, vừa bước tới cửa phòng, anh thấy em đang bồng con trên tay, thằng bé mới có mấy tháng tuổi đã biết gì đâu, vậy mà khi nhìn thấy anh, thằng bé nhoẻn miệng tươi tắn đưa hai tay lên cười với bố. Trời ơi, có điều gì đó rất linh thiêng đã khiến thằng bé nhận ra được bố của nó, lòng anh xôn xao một thứ tình cảm mới mẻ, lạ lẫm, thú vị biết bao - tình bố con. Rồi một hôm cu Sơn bỗng bập bẹ:
- Bố…
Anh giật mình ngạc nhiên, trời ơi, tiếng nói đầu đời của con tôi lại là tiếng gọi tôi bằng bố. Lần đầu tiên trong đời, có một sinh vật bé bỏng dễ thương gọi tôi là bố, à hả, thì ra mình đã là bố, ha ha! Cái cảm giác là lạ, sung sướng ấy thấm vào lòng khiến anh cảm thấy hạnh phúc vô ngần. Từ đây anh đã có Hạnh, có cu Sơn, đây chính là nơi ẩn náu duy nhất trong cuộc đời của anh. Đủ lắm rồi cuộc đời ơi, xin cám ơn vô cùng.
Thế mà hôm nay một mình anh cô đơn lạnh lẽo trên ngọn đồi heo hút của vùng hỏa tuyến xa xôi, anh đã mất tất cả, mất Hạnh yêu quí của anh, mất đi những tháng ngày hạnh phúc ấm êm. Cuộc đời ơi sao tàn nhẫn, độc ác vô tâm quá, cho tay trái rồi lại lấy đi bằng tay phải.
*****
Tháng 8 năm 1974, lữ đoàn I Nhảy Dù gấp rút chuyển quân vào Đại Lộc, Quảng Nam, nhằm chận đứng áp lực của địch đang mỗi lúc một nặng dần về phía Đà Nẵng. Địch đã bất ngờ đánh chiếm quận lỵ Thường Đức và đang mở rộng vùng kiểm soát xuống Đại Lộc. Đoàn quân Mũ Đỏ lặng lẽ dấn thân vào trận địa với quá nhiều bất lợi, địch quân đã khai thác mọi ưu thế về địa hình địa vật trên chiến trường, quân số của địch nhiều hơn gấp đôi và hỏa lực thì vượt trội hơn hẳn. Lệnh hành quân đã ban hành, bằng mọi giá su đoàn Nhảy Dù phải triệt địch quân ngay tại chiến trường này, quyết không để cho chúng lấn sâu hơn, đường chim bay ra tới Đà Nẵng không còn bao xa nữa, những người lính Nhảy Dù lại một lần nữa vung đao, gào lên câu quyết chiến.
Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù đánh vào làng Hà Nha, sau đó chuyển dần lên núi Sơn Gà, đánh địch trên những cao điểm cheo leo hiểm hóc đầy những bãi mìn, vượt qua những đợt pháo ác liệt của địch, rồi men tới chân ngọn đồi chiến lược 1062.
Kể từ ngày dấn thân vào chiến trường Thường Đức, những đợt lương khô bỗng dưng hoàn toàn biến mất, thay vào đó, người ta cung cấp gạo tươi cho những người lính đang chiến đấu trên tuyến đầu. Đang lúc giao tranh, dầu sôi lửa bỏng, nấu chín được nồi cơm là cả một công lao khó nhọc, có khi phải trộn thêm máu vì hễ khói bốc lên là ăn pháo. Trung đội phía sau sẽ vừa chiến đấu vừa phải đảm trách việc nấu cơm, rồi cho người bò lên phân phát cơm cho trung đội đang chạm địch. Chiến đấu gian khổ, cận kề cái chết như thế mà vẫn chỉ là cơm với cá khô làm chuẩn, mỗi ngày chỉ được 2 bữa cơm lưng bụng, nếu có chết đi thì cũng thành con ma đói mà thôi.
Đêm trong rừng âm u, cây cối gãy đổ ngả nghiêng, đất đá moi lên gập ghềnh lỗ chỗ, đã bao nhiêu lần ngọn đồi phải hứng chịu những cơn mưa pháo kinh hoàng. Da thịt con người chẳng là gì cả trước sức hủy diệt khủng khiếp của bom đạn, nhưng tinh thần chiến đấu dũng cảm của những người lính Nhảy Dù thì lại bền bỉ cứng cỏi hơn cả tiếng gầm thét của đạn bom. Mạc đưa tay kiểm soát lại dây đạn, các hộp đựng lựu đạn đã mở nắp sẵn sàng. Mạc yên tâm khi quơ tay ra phía trước chạm phải nhánh cây cắm ngay trước mặt, chàng há miệng ngáp một hơi thật dài, đã lâu lắm rồi không có được một giấc ngủ ngon, quân số thiếu hụt dần nên ca gác cứ phải kéo dài thêm. Mấy hôm nay địch đã liên tục mở nhiều đợt tấn công hòng chiếm lại ngọn đồi, đánh ban ngày không được thì địch chuyển sang đánh đêm, nhưng lần nào cũng đều gánh lấy thất bại chua cay. Địch sẽ tìm đủ mọi cách để chiếm cho bằng được ngọn đồi, ai cũng hiểu như thế, không khí trở nên căng thẳng ngột ngạt, anh em lúc nào cũng trong tư thế chờ đợi, sẵn sàng chiến đấu. Mạc không dám nghĩ ngợi xa xôi, chàng chú tâm vào nhiệm vụ canh gác, vì chỉ lỡ một chút sơ xẩy có thể đem tới thiệt hại không lường cho cả đơn vị.
Đột nhiên Mạc khép hơi thở thật nhẹ, hình như có tiếng cành cây gãy rất nhẹ, rất mơ hồ. Những năm tháng lặn ngụp trốn quân dịch đã tôi luyện cho chàng có được những kỹ năng mà người khác không thể dễ dàng có được. Bản năng sinh tồn đã khiến Mạc phát triển rất sâu về khả năng nghe ngóng, đánh hơi sự nguy hiểm, cũng như khả năng vùng thoát thật mạnh mẽ và mau lẹ. Hình như có người đang bò vào tuyến phòng thủ, cử động của người này xem ra rất chuyên nghiệp, lúc chạm xuống đất thật êm ái nhẹ nhàng như bước chân nhung của một con mèo. Mạc nín thở tập trung thật kỹ vào đôi tai, hình như không phải chỉ có một người, tự dưng Mạc linh cảm một nỗi đe dọa đang từ từ nhích tới gần. Mạc đưa tay sờ lên túi đựng lựu đạn, cái lạnh của kim loại truyền vào ngón tay khiến chàng cảm thấy tỉnh táo lạ thường. Mạc căng mắt nhìn sâu vào màn đêm, bất cứ một chuyển động nhỏ nhặt nào cũng không thể thoát khỏi đôi mắt tinh tường nhạy bén của Mạc. Bóng của một cái đầu vừa mới thoáng nhô cao, im lìm, rồi lại hạ thấp xuống ngay. Đã quá đủ để Mạc ước tính khoảng cách đến mục tiêu, chàng nhẹ nhàng rút chốt lựu đạn rồi vung tay ném một cách chính xác. Một ánh lửa bùng lên kèm theo tiếng nổ xé toạc màn đêm. Mạc vừa ném ra trái lựu đạn thứ hai thì chàng đã nghe thấy anh em đồng đội nhảy xuống hầm chiến đấu, rồi nhiều tiếng lựu đạn tiếp nối tung ra. Mặc dầu đơn vị đánh mở đường đã bị tiêu diệt hoàn toàn ngay trong giây phút đầu tiên, địch quân vẫn điên cuồng hô xung phong, tiếng AK, tiếng B40 xé nát không gian. Nhưng địch đã không thể nào xuyên thủng qua được tuyến phòng ngự, họ không thể hình dung ra được vị trí của mục tiêu khi lính Nhảy Dù chỉ đánh bằng lựu đạn. Đơn vị đặc công của địch đã thảm bại khi cố gắng tấn công ban đêm hòng chiếm lại ngọn đồi, xác địch nằm ngổn ngang bên ngoài phòng tuyến, nhưng họ sẽ quay trở lại, họ sẽ tìm đủ mọi cách để lấy lại cho bằng được ngọn đồi chiến lược này.
Ngày hôm sau địch lại kéo quân về bao vây ngọn đồi, quyết dứt điểm cho bằng được mục tiêu quan trọng hàng đầu này. Địch mở màn bằng một trận mưa pháo trùm lên ngọn đồi, đất trời như mờ đi vì khói đạn và đất cát bám đầy lên không gian. Đạn pháo liên tục rót xuống không ngừng nghỉ, giao thông hào rung lên từng đợt, mảnh đạn chém gió xé đi những âm thanh rợn người. Trước cơn hiểm nguy giăng ngang trước mắt, người ta bỗng trở nên bình tĩnh lạ thường, tiếng pháo vừa dứt, anh em vội vã chồm dậy chuẩn bị tác xạ ngăn chặn những đợt xung phong của địch. Tiếng hô xung phong của địch lẫn lộn trong tiếng súng nổ, địch tràn lên từng đợt, đợt này gục xuống đợt kế tiếp lại xông lên, hàng rào mìn và lựu đạn gài bên ngoài phòng tuyến đã không phát huy được tác dụng, những đợt pháo kích dữ dội đã phá hủy hoàn toàn hệ thống mìn ngăn chặn.
Mạc chợt như bị điện giật, những bộ quần áo kaki Nam Định đang lao lên về phía hầm trung sĩ Huỳnh Ánh, Mạc chợt nhớ ra từ nãy tới giờ không hề có tiếng súng bắn ra từ căn hầm ấy. Mạc vội vã đứng dựng người lên khỏi giao thông hào, quét một băng đạn thật chính xác, những thây người ngã chúi xuống mặt đất. Ngay lập tức, Mạc khom người chạy dưới giao thông hào đến hầm chiến đấu của trung sĩ Huỳnh Ánh. Nhịp tim của Mạc như ngừng đập khi nhìn thấy trung sĩ Huỳnh Ánh đang ngồi gục đầu vào vách hầm, một mảnh đạn pháo lớn bằng bàn tay đã chém đứt cổ trung sĩ Huỳnh Ánh, máu trong người tuôn ra ướt đẫm, nhuộm đỏ cả một khoảnh đất, thân thể trung sĩ Huỳnh Ánh tái mét vì đã cạn máu trong người. Ngay lúc ấy Mạc nghe có tiếng lựu đạn ném vào hầm, Mạc chưa kịp phản ứng thì đã thấy nháng lên trước mặt một vùng ánh sáng chói lòa, chàng cảm thấy mình bị đẩy dạt sang một bên, ngã chúi vào người trung sĩ Huỳnh Ánh. Lại có thêm mấy trái lựu đạn liên tiếp quăng vào hầm, Mạc cố hết sức trỗi người dậy nhưng không thể được, chàng có cảm giác mình đã hoàn toàn mất hết sức lực. Mạc nghe loáng thoáng bên tai mình những tiếng pháo tết ngày xưa còn bé, rồi chàng bỗng thấy người mình như tan ra thành trăm ngàn mảnh. Bỗng dưng những giọt nước mắt thương tâm chợt ứa ra từ khoé mắt của một người đang cơn hấp hối, Mạc mấp máy đôi môi, tiếng thều thào loãng dần đi:
- Hạnh ơi, đừng bỏ con một mình tội nghiệp…về đón cu Sơn đi, Hạnh ơi…
03-16-2009
Vũ đình Hải
Saturday, August 15, 2009
Sunday, January 25, 2009
Wednesday, January 21, 2009
Friday, December 26, 2008
Link slideshow Power Point
Xin vào link sau để thưởng thức những bài hát hay, những hình ảnh đẹp….
http://www.authorstream.com/User-Presentations/TranNguyen
http://www.authorstream.com/User-Presentations/TranNguyen
Friday, September 5, 2008
Lá Cờ Vàng Nền Cộng Hòa Tổ Quốc Việt Nam Là Một
Ngày 19/06/2008 - Phan nhật Nam
Cờ bay!
Cờ bay!
Giữa vũng lửa
Trầm trầm dân, lính nước mắt ứa
Một lần Cờ bay Vàng thành xưa
Bao phần máu xương Người Việt đổ...
Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là chung của tất cả Chúng Ta - Dân Tộc nơi Phương Nam dựng phận nghiệp Khổ Đau nhưng Siêu Việt. Cờ Vàng Ba Sọc đỏ là mối biễu tượng thuần thành, chính thống nhất. Bởi Cờ đã dựng lên uy nghi suốt giải quê hương từ Ải Nam Quan, miền núi cực bắc Đồng Đăng, Cao Bằng, Lạng Sơn, đến Mũi Cà Mâu, vùng đầm lầy Quản Long, An Xuyên, cuối nguồn Cửu Long, Sông Cái.
Dẫu Cờ mất đi quyền hiện diện chính trị.
Nhưng Cờ vẫn linh thiêng vĩnh hằng tồn tại nơi trái tim, và hơi thở chúng ta.
Cờ bay không ngừng như máu chảy tự thân.
Lá Cờ Vàng - Nền Cộng Hòa - Tổ Quốc Việt Nam là Một.
Ngày 26 Tháng Mười, Năm 1955, nền Cộng Hòa khai sinh ở Thủ Đô Sài Gòn với danh hiệu chính thức: Việt Nam Cộng Hòa thay thế danh hiệu Quốc Gia Việt Nam, thể chế chính trị thành hình từ 8 tháng Ba, 1949, ngày Hiệp Ước Elysée ký kết giữa Tổng Thống Cọng Hòa Pháp Vincent Auriol và Quốc Trưởng Bảo Đại chấm dứt 65 năm thuộc Pháp (1884-1949). Chức vụ nguyên thủ quốc gia, "Tổng Thống thay thế danh xưng Quốc Trưởng". Ngày 8 tháng 3, 1956, Quốc Hội Lập Hiến Việt Nam Cộng Hòa chính thức công bố Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là Quốc Kỳ, Quốc Huy của nước là hình Cây Trúc biễu tượng Tinh Thần Chính Nhân, Đại Nghĩa của Dân Tộc Việt Nam. Chúng ta hôm nay cần nhắc lại những sự kiện, thời điểm lịch sử kể trên để cùng nhau xác chứng lại một điều hiễn nhiên: Lá Cờ Vàng, danh hiệu Việt Nam Cộng Hòa là một Thực Thể Chính Trị- Biễu Tượng Quốc Gia- Lý Chính Nghĩa- Sức Chiến Đấu của vạn, triệu Người Việt dài theo cùng Thế Kỷ 20 và trước đây, lẫn mai hậu. Dẫu hôm nay có những âm mưu đê tiện, thâm độc đòi xoá bỏ đi biễu tượng cao quý nhiệm mầu trên vì nại cớ chúng đã có liên hệ với những nhân sự, vụ việc gây nhiều lầm lỡ của giai đoạn từ sau cuộc đại chiến thế giới lần hai (1945) đến ngày thiên thu uất hận 30 tháng 4, 1975. Chúng ta phải vô cùng sáng suốt cảnh giác trước mưu hiễm của kẻ nghịch cùng đồng lõa và kiên trì giữ vững niềm tin, sức chiến đấu: Bởi máu của anh em ta, của cả dân tộc khổ nạn đã tô thắm thêm ba đỏ vạch sắc son nầy. Và Cộng Hòa không chỉ là danh xưng về thể chế chính trị, nhưng là mục đích tối thượng của toàn khối Người Việt luôn kiên tâm thực hiện Sống xứng đáng Giá Tri. Con Người, giữ gìn bền bỉ Phẩm Tính Dân Tộc. Nền Cộng Hòa, Cờ Tam Tài "Xanh-Trắng-Ðỏ" luôn là biễu tượng huy hoàng, vĩ đại của Dân Tộc Pháp, và cũng của toàn nhân loại về nỗ lực thực hiện ý niệm "Cộng Hòa-Tự Do Dân Chủ", dẫu Cách Mạng 1789 phải trả bằng giá máu kinh hoàng của bao người vô tội do tay những kẻ khủng bố tàn nhẫn. Mao Trạch Đông đã không tùy nghi vô cớ liên kết cách mạng vô sản với cuộc Chiến Tranh Nha Phiến 1884 giữa Triều Đình nhà Thanh với những đại cường Tây Phương trong buổi lễ vĩ đại ngày 1 tháng 10, 1949 nơi Quảng Trường Thiên An Môn mừng lần thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân - Bởi đấy là Truyền Thống chiến đấu giữ nước của Dân Tộc Trung Hoa. Chúng ta không thể tạo dựng nên điều vô cớ, bởi lá Cờ Vàng quả thật đã thấm đẫm lượng máu vô hạn của lớp lớp Người Việt quyết tử để Dân Tộc tồn sinh. Giòng máu oanh liệt của nhị vị Trưng Nữ Vương hòa xuống Hát Giang năm 43 lúc nước vừa mới tượng hình được tiếp nối với lượng sóng sông Bạch Đằng của kỳ giữ nước quang vinh, Thế Kỷ 13 quân Nhà Trần đánh tan ba lần đạo binh bách thắng Nguyên Mông. Từ bậc quân vương, đến người lính đầu bạc, cũng như ngựa đá phải chồn chân, hãn huyết xông lên trận tiền giữ nước. Đấy cũng là giòng máu kiên trung, hiến thân cho mệnh nước hằng tuôn chảy không ngừng khi Chiến Hạm Nhựt Tảo-Hải Quân 10 chìm xuống, hòa lẫn màu biển Hoàng Sa ngày 19 tháng 1, 1974, cùng thân xác Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà, và những Người Lính Hải Quân Quân Lực Cộng Hòa giữ gìn trời, biển phương Nam. Thế nên, Cờ không chỉ giới hạn là biễu hiện của riêng những chế độ cầm quyền, với Quốc Gia Việt Nam hay hai nền Cộng Hòa. Và Cộng Hòa là ý niệm tối thượng của cuộc sống- chiến đấu bất tận trên vùng đất lửa phương Nam. Dẫu sống vô cùng nguy biến đau thương như hằng hằng những đoàn người chạy loạn cộng sản-Từ cuộc di cư vĩ đại năm 1954 rời bỏ Miền Bắc; lần chạy nạn Tổng Công Kích Mậu Thân 1968; cảnh Mùa Hè Đỏ Lửa suốt ba vùng đất nước năm 1972, và lần oan khốc uất hận khi mất Cao Nguyên từ ngày 10 tháng 3, 1975 để đến hôm nay hiện thực với hai triệu người có mặt ở hải ngoại ố Những NGƯỜI VIỆT TY. NẠN CỘNG SẢN ĐỂ THỰC HIỆN Ý NIỆM CỘNG HÒA. Vậy, chúng ta phải khẳng định lại thêm một lần: Lá Cờ Vàng - Danh Hiệu Cộng Hòa là sức mạnh chuyển giòng đấu tranh xuyên suốt lịch sử từ những lần vị quốc vong thân sáng ngời trung liệt của Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương khi thành mất; của Trương Công Định, liệt sĩ Vàm Láng, Gò Công; của Nguyễn Trung Trực với chiến công vang động giòng Vàm Cỏ, Long An: "Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa. Kiếm bạc Kiên Giang khốc quỷ thần", cho đến lần Cờ lên trên Kỳ Đài Cố Đô Huế, sáng Mùa Xuân Mậu Thân, 24 tháng Hai, 1968..
Quân dân ta nên một lần bật khóc
Khi lá Cờ Vàng Ba Sọc
Lừng lững lên cao
Giữa mờ sương xứ Huế sáng Xuân nào!
Danh hiệu Cộng Hòa bao gồm trong lời hô uy dũng của mười ba Liệt Sĩ Quốc Dân Đảng "Việt Nam Độc Lập Muôn Năm" nơi Yên Bái, sáng sông núi gờn gợn đau thắt, 17 tháng 6, 1930, không khác ý niệm quyết tử "Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm" của trung đội lính Nhảy Dù do Thiếu Úy Huỳnh Văn Thái chỉ huy, đã chọn giây phút báo đền ân nghĩa quê hương với chính xác thân mình nỗ tung bởi trái lựu cuối cùng, buổi sáng 30 tháng Tư, 1975 nơi bùng binh Ngã Sáu, Chợ Lớn. Danh hiệu Cộng Hòa linh thiêng kia đã bừng lên soi rạng khoảng trời đất u tối sáng 29 tháng 4, 1975 khi chiếc Hỏa Long C119 của Trung Úy Nguyễn Văn Thành bốc cháy trên không gian Tân Sơn Nhất, Gia Định. Và giá trị Cộng Hòa mải mải tồn tại trong thanh âm quyết liệt của Hồ Ngọc Cẩn, Trần Văn Bá khi đối diện với nòng súng của trung đội hành hình. Chúng ta hôm nay cũng tương tự tình cảnh của những người Việt lưu vong đầu thế kỷ ở Sa Khôn, Thái Lan, với tất lòng đau xót như đã một lần được Tú Tài Đặng Thúc Hứa, đồng chí của nhị vị tiền bối Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh diễn dạt khi nhớ về quê nhà đang trong cơn điêu linh nhục thãm:
Vùng Quê Hải, gió tanh mưa máu, án ba đào vì tình thế xui nên.
Cõi Viêm Bang, núi thịt cồn xương, nỗi bi thảm xưa nay chưa có.
Ngoài ngàn dặm trông về cố quốc,
Non sầu bể thảm, quặn ruột gan chín khúc tơ vò.
Cuộc trăm năm tưởng tới đồng tâm,
Cỏ úa hoa dàu, dẫu sắt đá cũng hai hàng lệ nhỏ.
Nỗi Đau cào xé nầy luôn bừng bừng cùng mối Ước Nguyện sắc son - Lần dựng lên trong nắng Miền Nam mầu uy nghi rực rỡ Cờ Vàng, và câu hát đã một lần vang động núi sông lẫm liệt cảm động ánh sáng vĩnh cửu Cộng Hòa.
Cờ bay! Cờ bay!
Trên thành phố thân yêu
Vừa chiếm lại đêm qua bằng máu!! CHÚNG TA PHẢI HÁT LẠI THÊM MỘT LẦN CÂU HÁT BI HÙNG NẦY TRÊN TOÀN CÕI QUÊ HƯƠNG
Viết để nhắn nhở, vững tin Nghĩa Lớn - Việt Nam Cộng Hòa
26 Tháng Mười, 1955 — 26 Tháng Mười, 2002. Phan nhật Nam
Ngày 19/06/2008 - Phan nhật Nam
Cờ bay!
Cờ bay!
Giữa vũng lửa
Trầm trầm dân, lính nước mắt ứa
Một lần Cờ bay Vàng thành xưa
Bao phần máu xương Người Việt đổ...
Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là chung của tất cả Chúng Ta - Dân Tộc nơi Phương Nam dựng phận nghiệp Khổ Đau nhưng Siêu Việt. Cờ Vàng Ba Sọc đỏ là mối biễu tượng thuần thành, chính thống nhất. Bởi Cờ đã dựng lên uy nghi suốt giải quê hương từ Ải Nam Quan, miền núi cực bắc Đồng Đăng, Cao Bằng, Lạng Sơn, đến Mũi Cà Mâu, vùng đầm lầy Quản Long, An Xuyên, cuối nguồn Cửu Long, Sông Cái.
Dẫu Cờ mất đi quyền hiện diện chính trị.
Nhưng Cờ vẫn linh thiêng vĩnh hằng tồn tại nơi trái tim, và hơi thở chúng ta.
Cờ bay không ngừng như máu chảy tự thân.
Lá Cờ Vàng - Nền Cộng Hòa - Tổ Quốc Việt Nam là Một.
Ngày 26 Tháng Mười, Năm 1955, nền Cộng Hòa khai sinh ở Thủ Đô Sài Gòn với danh hiệu chính thức: Việt Nam Cộng Hòa thay thế danh hiệu Quốc Gia Việt Nam, thể chế chính trị thành hình từ 8 tháng Ba, 1949, ngày Hiệp Ước Elysée ký kết giữa Tổng Thống Cọng Hòa Pháp Vincent Auriol và Quốc Trưởng Bảo Đại chấm dứt 65 năm thuộc Pháp (1884-1949). Chức vụ nguyên thủ quốc gia, "Tổng Thống thay thế danh xưng Quốc Trưởng". Ngày 8 tháng 3, 1956, Quốc Hội Lập Hiến Việt Nam Cộng Hòa chính thức công bố Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là Quốc Kỳ, Quốc Huy của nước là hình Cây Trúc biễu tượng Tinh Thần Chính Nhân, Đại Nghĩa của Dân Tộc Việt Nam. Chúng ta hôm nay cần nhắc lại những sự kiện, thời điểm lịch sử kể trên để cùng nhau xác chứng lại một điều hiễn nhiên: Lá Cờ Vàng, danh hiệu Việt Nam Cộng Hòa là một Thực Thể Chính Trị- Biễu Tượng Quốc Gia- Lý Chính Nghĩa- Sức Chiến Đấu của vạn, triệu Người Việt dài theo cùng Thế Kỷ 20 và trước đây, lẫn mai hậu. Dẫu hôm nay có những âm mưu đê tiện, thâm độc đòi xoá bỏ đi biễu tượng cao quý nhiệm mầu trên vì nại cớ chúng đã có liên hệ với những nhân sự, vụ việc gây nhiều lầm lỡ của giai đoạn từ sau cuộc đại chiến thế giới lần hai (1945) đến ngày thiên thu uất hận 30 tháng 4, 1975. Chúng ta phải vô cùng sáng suốt cảnh giác trước mưu hiễm của kẻ nghịch cùng đồng lõa và kiên trì giữ vững niềm tin, sức chiến đấu: Bởi máu của anh em ta, của cả dân tộc khổ nạn đã tô thắm thêm ba đỏ vạch sắc son nầy. Và Cộng Hòa không chỉ là danh xưng về thể chế chính trị, nhưng là mục đích tối thượng của toàn khối Người Việt luôn kiên tâm thực hiện Sống xứng đáng Giá Tri. Con Người, giữ gìn bền bỉ Phẩm Tính Dân Tộc. Nền Cộng Hòa, Cờ Tam Tài "Xanh-Trắng-Ðỏ" luôn là biễu tượng huy hoàng, vĩ đại của Dân Tộc Pháp, và cũng của toàn nhân loại về nỗ lực thực hiện ý niệm "Cộng Hòa-Tự Do Dân Chủ", dẫu Cách Mạng 1789 phải trả bằng giá máu kinh hoàng của bao người vô tội do tay những kẻ khủng bố tàn nhẫn. Mao Trạch Đông đã không tùy nghi vô cớ liên kết cách mạng vô sản với cuộc Chiến Tranh Nha Phiến 1884 giữa Triều Đình nhà Thanh với những đại cường Tây Phương trong buổi lễ vĩ đại ngày 1 tháng 10, 1949 nơi Quảng Trường Thiên An Môn mừng lần thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân - Bởi đấy là Truyền Thống chiến đấu giữ nước của Dân Tộc Trung Hoa. Chúng ta không thể tạo dựng nên điều vô cớ, bởi lá Cờ Vàng quả thật đã thấm đẫm lượng máu vô hạn của lớp lớp Người Việt quyết tử để Dân Tộc tồn sinh. Giòng máu oanh liệt của nhị vị Trưng Nữ Vương hòa xuống Hát Giang năm 43 lúc nước vừa mới tượng hình được tiếp nối với lượng sóng sông Bạch Đằng của kỳ giữ nước quang vinh, Thế Kỷ 13 quân Nhà Trần đánh tan ba lần đạo binh bách thắng Nguyên Mông. Từ bậc quân vương, đến người lính đầu bạc, cũng như ngựa đá phải chồn chân, hãn huyết xông lên trận tiền giữ nước. Đấy cũng là giòng máu kiên trung, hiến thân cho mệnh nước hằng tuôn chảy không ngừng khi Chiến Hạm Nhựt Tảo-Hải Quân 10 chìm xuống, hòa lẫn màu biển Hoàng Sa ngày 19 tháng 1, 1974, cùng thân xác Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà, và những Người Lính Hải Quân Quân Lực Cộng Hòa giữ gìn trời, biển phương Nam. Thế nên, Cờ không chỉ giới hạn là biễu hiện của riêng những chế độ cầm quyền, với Quốc Gia Việt Nam hay hai nền Cộng Hòa. Và Cộng Hòa là ý niệm tối thượng của cuộc sống- chiến đấu bất tận trên vùng đất lửa phương Nam. Dẫu sống vô cùng nguy biến đau thương như hằng hằng những đoàn người chạy loạn cộng sản-Từ cuộc di cư vĩ đại năm 1954 rời bỏ Miền Bắc; lần chạy nạn Tổng Công Kích Mậu Thân 1968; cảnh Mùa Hè Đỏ Lửa suốt ba vùng đất nước năm 1972, và lần oan khốc uất hận khi mất Cao Nguyên từ ngày 10 tháng 3, 1975 để đến hôm nay hiện thực với hai triệu người có mặt ở hải ngoại ố Những NGƯỜI VIỆT TY. NẠN CỘNG SẢN ĐỂ THỰC HIỆN Ý NIỆM CỘNG HÒA. Vậy, chúng ta phải khẳng định lại thêm một lần: Lá Cờ Vàng - Danh Hiệu Cộng Hòa là sức mạnh chuyển giòng đấu tranh xuyên suốt lịch sử từ những lần vị quốc vong thân sáng ngời trung liệt của Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương khi thành mất; của Trương Công Định, liệt sĩ Vàm Láng, Gò Công; của Nguyễn Trung Trực với chiến công vang động giòng Vàm Cỏ, Long An: "Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa. Kiếm bạc Kiên Giang khốc quỷ thần", cho đến lần Cờ lên trên Kỳ Đài Cố Đô Huế, sáng Mùa Xuân Mậu Thân, 24 tháng Hai, 1968..
Quân dân ta nên một lần bật khóc
Khi lá Cờ Vàng Ba Sọc
Lừng lững lên cao
Giữa mờ sương xứ Huế sáng Xuân nào!
Danh hiệu Cộng Hòa bao gồm trong lời hô uy dũng của mười ba Liệt Sĩ Quốc Dân Đảng "Việt Nam Độc Lập Muôn Năm" nơi Yên Bái, sáng sông núi gờn gợn đau thắt, 17 tháng 6, 1930, không khác ý niệm quyết tử "Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm" của trung đội lính Nhảy Dù do Thiếu Úy Huỳnh Văn Thái chỉ huy, đã chọn giây phút báo đền ân nghĩa quê hương với chính xác thân mình nỗ tung bởi trái lựu cuối cùng, buổi sáng 30 tháng Tư, 1975 nơi bùng binh Ngã Sáu, Chợ Lớn. Danh hiệu Cộng Hòa linh thiêng kia đã bừng lên soi rạng khoảng trời đất u tối sáng 29 tháng 4, 1975 khi chiếc Hỏa Long C119 của Trung Úy Nguyễn Văn Thành bốc cháy trên không gian Tân Sơn Nhất, Gia Định. Và giá trị Cộng Hòa mải mải tồn tại trong thanh âm quyết liệt của Hồ Ngọc Cẩn, Trần Văn Bá khi đối diện với nòng súng của trung đội hành hình. Chúng ta hôm nay cũng tương tự tình cảnh của những người Việt lưu vong đầu thế kỷ ở Sa Khôn, Thái Lan, với tất lòng đau xót như đã một lần được Tú Tài Đặng Thúc Hứa, đồng chí của nhị vị tiền bối Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh diễn dạt khi nhớ về quê nhà đang trong cơn điêu linh nhục thãm:
Vùng Quê Hải, gió tanh mưa máu, án ba đào vì tình thế xui nên.
Cõi Viêm Bang, núi thịt cồn xương, nỗi bi thảm xưa nay chưa có.
Ngoài ngàn dặm trông về cố quốc,
Non sầu bể thảm, quặn ruột gan chín khúc tơ vò.
Cuộc trăm năm tưởng tới đồng tâm,
Cỏ úa hoa dàu, dẫu sắt đá cũng hai hàng lệ nhỏ.
Nỗi Đau cào xé nầy luôn bừng bừng cùng mối Ước Nguyện sắc son - Lần dựng lên trong nắng Miền Nam mầu uy nghi rực rỡ Cờ Vàng, và câu hát đã một lần vang động núi sông lẫm liệt cảm động ánh sáng vĩnh cửu Cộng Hòa.
Cờ bay! Cờ bay!
Trên thành phố thân yêu
Vừa chiếm lại đêm qua bằng máu!! CHÚNG TA PHẢI HÁT LẠI THÊM MỘT LẦN CÂU HÁT BI HÙNG NẦY TRÊN TOÀN CÕI QUÊ HƯƠNG
Viết để nhắn nhở, vững tin Nghĩa Lớn - Việt Nam Cộng Hòa
26 Tháng Mười, 1955 — 26 Tháng Mười, 2002. Phan nhật Nam
Monday, September 1, 2008
Giới Thiệu Gia Đình Phước Long 3136
Kính thưa Quý vị quan khách cùng các chiến hữu.
Sau biến cố lịch sử và đau thương 30/04/1975,hàng trăm ngàn cựu sĩ quan QLVNCH và nhân viên hành chánh đã phải thi hành lệnh cưỡng bức tập trung trong các trại cải tạo trải dài từ Nam ra Bắc.Sau nhiều năm khổ sai lao động cải tạo,đa số anh em đã lần lượt trở về đoàn tụ với gia đình,để rồi có người tìm cơ hội vượt thoát đến các nước tự do (Trong thập niên 1980)
Tuy nhiên đa số anh em đã được định cư tại Hoa Kỳ qua chương trình HO trong thập niên 1990.
Kính thưa quý vị,trong cùng một cảnh ngộ,các thành viên Phước Long 3136 cũng là những cựu sĩ quan QLVNCH thuộc đủ mọi binh chủng,sau ngày 30/04/1975 như các anh em sĩ quan khác đã phải thi hành lệnh tập trung trong các trại cải tạo của cộng sản,khởi từ trại Trảng Lớn,Phú Quốc,Long Giao,Phước Long và Hàm Tân.
Những tháng ngày gian khổ thiếu thốn trong các trại cải tạo,anh em luôn an ủi,giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn nhất,chia sớt từng bát cơm thừa hay mẫu thuốc vụn...Xây dựng tình huynh đệ chi binh theo truyền thống tốt đẹp của QLVNCH.Ở trại Phước Long 3136,nơi in đậm nét những kỹ niệm khó quên về tinh thần bất khuất kiên cường của cựu sĩ quan QLVNCH dám can đảm tỏ thái độ chống đối cán bộ quản giáo,cùng đoàn kết tẩy chay không đội chiếc nón cối mà bọn cai trại phát cho anh em để đi lao động.Đặt biệt những lần thăm nuôi của gia đình,anh em đã thông cảm gồng gánh phần phân công lao động và tạo mọi điều kiện cho bạn mình có những giây phút thoải mái và đầm ấm bên người yêu trong những túp lều trong rừng.Và còn biết bao những kỷ niệm khó quên mà không thể kể hết được.Trại 3136 là trạm chót trong hành trình cải tạo trước khi một số anh em lần lượt về xum họp gia đình và số còn lại phải chuyển trại đi nơi khác.Cũng chính vì thế mà tên Phước Long 3136 đã được anh em chọn làm tên chung cho nhóm thân hữu tù cải tạo.
Năm 2005,với sự hăng say và thiện chí của anh em từ vài người đã quy tụ thêm được một số anh em tại Houston,Austin và Dallas.Đồng thời qua email và phone liên lạc,vòng tay thân hửu huynh đệ được nối dài đến một số tiểu bang khác,Canada và còn lan rộng đến một số anh em còn kẹt lại Việt Nam.
Với mục đích và tôn chỉ của Nhóm là luôn đoàn kết trong tinh thần huynh đệ,chia sẽ những kỷ niệm vui buồn trong quá khứ và động viên giúp đỡ nhau trong cuộc sống mới tại Hoa Kỳ.
Trong thời gian tới,GĐ 3136 sẽ tiếp tục duy trì truyền thống tốt đẹp sẵn có,trên tinh thần tương thân tương ái,gắn bó và giúp đỡ nhau .Đồng thời sẽ cố gắng nối vòng tay thân hữu đến các thành viên ở các tiểu bang xa.
Trân trọng kính chào qúi vị và qúi chiến hữu
Sau biến cố lịch sử và đau thương 30/04/1975,hàng trăm ngàn cựu sĩ quan QLVNCH và nhân viên hành chánh đã phải thi hành lệnh cưỡng bức tập trung trong các trại cải tạo trải dài từ Nam ra Bắc.Sau nhiều năm khổ sai lao động cải tạo,đa số anh em đã lần lượt trở về đoàn tụ với gia đình,để rồi có người tìm cơ hội vượt thoát đến các nước tự do (Trong thập niên 1980)
Tuy nhiên đa số anh em đã được định cư tại Hoa Kỳ qua chương trình HO trong thập niên 1990.
Kính thưa quý vị,trong cùng một cảnh ngộ,các thành viên Phước Long 3136 cũng là những cựu sĩ quan QLVNCH thuộc đủ mọi binh chủng,sau ngày 30/04/1975 như các anh em sĩ quan khác đã phải thi hành lệnh tập trung trong các trại cải tạo của cộng sản,khởi từ trại Trảng Lớn,Phú Quốc,Long Giao,Phước Long và Hàm Tân.
Những tháng ngày gian khổ thiếu thốn trong các trại cải tạo,anh em luôn an ủi,giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn nhất,chia sớt từng bát cơm thừa hay mẫu thuốc vụn...Xây dựng tình huynh đệ chi binh theo truyền thống tốt đẹp của QLVNCH.Ở trại Phước Long 3136,nơi in đậm nét những kỹ niệm khó quên về tinh thần bất khuất kiên cường của cựu sĩ quan QLVNCH dám can đảm tỏ thái độ chống đối cán bộ quản giáo,cùng đoàn kết tẩy chay không đội chiếc nón cối mà bọn cai trại phát cho anh em để đi lao động.Đặt biệt những lần thăm nuôi của gia đình,anh em đã thông cảm gồng gánh phần phân công lao động và tạo mọi điều kiện cho bạn mình có những giây phút thoải mái và đầm ấm bên người yêu trong những túp lều trong rừng.Và còn biết bao những kỷ niệm khó quên mà không thể kể hết được.Trại 3136 là trạm chót trong hành trình cải tạo trước khi một số anh em lần lượt về xum họp gia đình và số còn lại phải chuyển trại đi nơi khác.Cũng chính vì thế mà tên Phước Long 3136 đã được anh em chọn làm tên chung cho nhóm thân hữu tù cải tạo.
Năm 2005,với sự hăng say và thiện chí của anh em từ vài người đã quy tụ thêm được một số anh em tại Houston,Austin và Dallas.Đồng thời qua email và phone liên lạc,vòng tay thân hửu huynh đệ được nối dài đến một số tiểu bang khác,Canada và còn lan rộng đến một số anh em còn kẹt lại Việt Nam.
Với mục đích và tôn chỉ của Nhóm là luôn đoàn kết trong tinh thần huynh đệ,chia sẽ những kỷ niệm vui buồn trong quá khứ và động viên giúp đỡ nhau trong cuộc sống mới tại Hoa Kỳ.
Trong thời gian tới,GĐ 3136 sẽ tiếp tục duy trì truyền thống tốt đẹp sẵn có,trên tinh thần tương thân tương ái,gắn bó và giúp đỡ nhau .Đồng thời sẽ cố gắng nối vòng tay thân hữu đến các thành viên ở các tiểu bang xa.
Trân trọng kính chào qúi vị và qúi chiến hữu
Subscribe to:
Posts (Atom)